"Thời buổi nào rồi mà còn tin chuyện đời đời kiếp kiếp, phải không?"
Tỉ như kiếp luân hồi là có thật.
Tỉ như nguời ta có quyền đuợc chọn uống hay không uống ly trà Mệnh Bà.
Tỉ như sống là một...sự tỉ như.
***
Hồi bé có lần tôi hỏi mẹ "Tại sao trong bệnh viện toàn màu trắng?" Mẹ tôi bảo "để cho sạch sẽ, với cả để dễ nhận ra các vết khác."
Kể cũng đúng, trên một nền trắng tinh thì có cái gì mà trốn đi đâu đuợc nữa. Lồ lộ ra hết. Mà hoen ố lâu ngày, dám chừng đến Ômô siêu tẩy cũng phải bó tay.
Chị nằm cạnh tôi từ hơn hai tuần nay. Tôi chẳng dám hỏi. Nhưng nằm bên cạnh tôi trong phòng này thì chắc ăn là chờ chết. Chị chẳng còn tóc nữa. Da dẻ tái tái xanh xanh, thân hình bé teo lọt thỏm giữa cái giưòng gần mét tróc sơn nham nhở.
Trong căn phòng đôi này, tiếng máy điện tâm đồ là thứ âm thanh duy nhất phì phà đều đặn đêm ngày. Ở ngoài kia, người ta đang đấu tranh để đánh dấu sự tồn tại của bản thân bằng mọi cách: bằng sức mạnh, bằng trí tuệ, bằng thân xác và bằng cả tiền. Ấy vậy mà ở đây, tôi và chị, hai người đàn bà gầy như một cái nắm tay, được biết đến có tồn tại nữa hay không chỉ cần thông qua những tiếng tít tít nhịp nhàng.
Anh đến thăm chị. Chăm chỉ như một con ong. Cần mẫn như một con kiến. Anh ngồi thật lâu bên cạnh, nắm tay chị và thủ thỉ rất nhiều điều. Câu kết bao giờ cũng là "Anh sẽ yêu em cho đến hết kiếp này."
Anh mang hoa đến, tỉ mẩn tháo lớp giấy kiếng loang loáng phản chiếu những tia nắng mỏng tan cánh gián hiếm hoi truớc khi cho vào cái bình thuỷ tinh hình ống. Từ chị thoát ra một giọt nuớc mắt. Anh vuốt ve bàn tay chị, anh biết là chị vẫn đang ở đấy, nghe thấy những gì anh nói.
"Anh sẽ yêu em cho đến hết kiếp này"
(Kiếp này là kiếp của ai ?)
Tôi với chị ra đi cùng ngày. Hôm đó máy điện tâm đồ kéo một hồi dài. Chúng tôi đứng ở cuối chân giuờng nhìn anh ôm lấy thân thể chị lạnh toát, vai anh rung rung từng chặp trong tiếng chân người chạy rầm rập ngoài hành lang. Chị đưa tay cố chạm lấy anh nhưng vô dụng. Chị đau, chị nấc lên rưng rức nhưng không còn giọt nuớc mắt nào rơi nữa. Rồi anh đứng lên, quay lưng về phía khung cửa với những giọt sáng hiếm hoi. Anh đi.
Tôi kéo tay chị. Chúng tôi lướt qua những khuôn mặt rạng rỡ có, lo âu có, cau có có, hạnh phúc có. Chúng tôi lướt qua những con đuờng xanh thẫm vị không gian, những hàng xe nối đuôi nhau đều đặn lúc tan tầm, những khu nhà chật nêm nguời đang í ới chuyện tiền rau tiền thịt. Chúng tôi luớt qua những nụ hôn, những cái ôm, những cái nắm tay thỉnh thoảng nghiến lên theo nhịp cồn cào. Rồi chúng tôi lọt thỏm vào khoảng không gian lạnh toát âm u đầy khói, mập mờ một dòng sông và con đò chơ vơ buồn bã. Chúng tôi tiến sát gần mép nước. Nguời lái đò đội một chiếc mũ rộng vành sùm sụp, đứng tĩnh lặng trong khoảng không hiu hiu gió buốt.
"Có muốn qua sông? Lên đò thì mời trà, còn không xin quay bước."
Chị đẩy nhẹ tôi về phía trước khe khẽ bảo "Em đi đi!"
- Thế còn chị ?
- Chị sẽ không quên anh ấy đâu.
Rồi chị quay lưng. Khói phủ nhoà nhanh chóng phía sau.
***
Căn nhà ba tầng chìm trong băng tang trắng, tiếng kèn trống ỉ ôi và từng đợt khóc nấc lên chặp hồi. Nguời đến chào từ biệt chị rất đông. Chị thấy những khuôn mặt xưa cũ đến độ lạ lẫm, rồi bạn chung sở, bạn đại học, hàng xóm, thậm chí là bạn bè của hàng xóm...
Họ đứng lố nhố trước bàn thờ mịt mù khói trầm của chị. Kẻ cúi đầu, nguời thỉnh thoảng lia mắt xung quanh tò mò, ra điều ái ngại. Họ thắp hương, lẩm nhẩm khấn vái. Họ tiến về phía mẹ chị đang lả đi vì từng trận khóc, nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà, lắc lắc nhẹ, "chị/bác/cô đừng quá đau buồn!". Rồi họ quay đi, nhường chỗ cho một tốp khác tiếp tục lố nhố, tiếp tục cúi đầu, lia mắt, e ngại, nắm tay và những lời an ủi.
Đám bạn ra khỏi cổng nhà chị, leo tót lên xe và í ới rủ rê nhau, bàn tính xem bây giờ sẽ ăn tối ở đâu? Cà phê quán nào? Có ai thích lên New tối nay không?
Và rồi để một hai năm nữa, nếu tên chị có vô tình lọt thỏm vào lưng chừng cuộc nói chuyện nào đó "À cái T. đấy à, khổ thân chết trẻ quá!", thì cũng sẽ bảng lảng trôi nhanh sau một vài giây tắc lưỡi.
Đó là hết một kiếp làm người của chị trong lòng những nguời đuợc coi là bạn, là có quan hệ cộng đồng, là thậm chí thân thiết để sẻ chia những nỗi niềm có thể sẻ chia.
Vậy còn anh?
Anh không đến đám tang của chị. Nguời ta xì xầm thương cảm cho anh "Chắc là không đủ can đảm để đối diện!". Chị lo lắng. Chị bứt rứt không biết anh đang ở đâu giờ này, có làm điều dại dột nào hành hạ thân xác mình không. Chị đi tìm anh ở khắp nơi, đến tất cả những nơi mà theo chị là anh có thể đến. Nhưng anh đều không ở đó. Chị càng lo lắng dữ. Rồi chị quyết định sẽ đợi anh ở mộ mình.
1 ngày qua.
1 tuần qua.
1 tháng qua.
Anh xuất hiện với bó hoa hồng trắng. Anh đặt nó cạnh tấm hình của chị. Anh đứng yên lặng một lúc. Chị muốn lao về phía anh nhưng không thể. Chị đã nhớ anh biết bao. Anh là của chị. Ở đó. Là của chị. Anh quay gót. Chị đi theo anh.
Theo anh về nhà. Chị ngắm nhìn anh ăn. Anh ngủ. Anh làm việc thâu đêm bên máy tính. Chị muốn pha cho anh một cốc cà phê nhiều sữa hơn bình thuờng một chút để anh tỉnh táo, anh bớt mệt. Chị muốn khe khẽ xuất hiện sau lưng anh, dịu dàng nắn nhè nhẹ bờ vai anh. Chị muốn đắp cho anh tấm áo những đêm anh ngủ gục trên bàn làm việc.
Mỗi ngày chị đều đợi anh ở nhà. Như một cái bóng. Chị tự nhủ mình chưa chết. Nên sẽ không đi theo anh đến bất cứ đâu. Chỉ ở nhà thôi, như một nguơì vợ, đợi chờ chồng về sau mỗi ngày làm vịêc.
Một ngày kia có tiếng cửa mở lách cách vào nhà nhưng không phải anh mà là một cô gái trẻ măng mơn mởn như cái chồi non xanh vừa hé trên bệ cửa sổ nhà anh. Cô ấy vào nhà, quăng mình lên ghế sô pha, với tay bật nhạc và mỉm cuời đầy mãn nguyện. Cô ấy tung tăng hết từ phòng này sang phòng khác. Nấu nuớng, bày biện, quét dọn. Hạnh phúc. Cô ấy hạnh phúc.
Anh về. Cô ấy ào đến quấn siết lấy cổ áo anh. Họ ôm nhau. Họ hôn nhau. Chị ngỡ ngàng như nguời vừa bước hụt chân. Chị và anh. 5 năm trời yêu nhau. Anh ái ngại gì hay là do chị không dám mà cả hai chưa bao giờ âu yếm nhau nồng nàn đến thế. Họ ăn tối cùng nhau, nắm chặt tay nhau. Chị thấy lòng mình sóng dữ, cồn cào từng đợt, ồ ạt dâng rồi ồ ạt kéo rút.
Chị bứt rứt khôn nguôi. Chị thấy trong mình nhóm lên một ngọn lửa ngùn ngụt như muốn táp lây anh mà thiêu đốt mà vần vũ anh trong đó. Chị thấy anh bất giác đã quay lưng lại với chị.
Đêm anh ngủ, chị đi vào giấc mơ của anh. Chị ôm mặt. Dáng xiêu vẹo như cái cây khô truớc bão. Anh giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi đầm đìa. Uống sạch chai nước lạnh. Anh không tài nào chợp mắt được tiếp. Suốt một tuần liền như thế, đêm nào chị cũng trườn vào giấc ngủ của anh. Chị đay nghiến anh bằng ánh mắt. Anh gầy tọp đi, mắt thâm quầng thấy rõ. Cô gái trẻ lo lắng. Mẹ anh tức tốc đến nhà với bao nhiêu là nhân sâm hải vị, nằng nặc đòi anh phải đi bác sĩ. Anh không chịu.
"Con mơ thấy T. Cô ấy trông ... đáng sợ lắm!"
Chị muốn đổ quỵ giữa căn phòng.
- Từ bao lâu rồi hả con?
- Suốt một tuần nay.Trông cô ấy rất thật!
Buổi chiều mẹ anh quay lại nhà với một giỏ to đầy huơng đèn giấy cúng. Bà lụi cụi nhét cái gì đó duới gối ngủ của anh, treo một miếng kính ngay cửa nhà, còn tỉ mẩn dặn anh nhớ để một cái túi đỏ vào ví.
Anh gạt đi, bảo "Sao mà tin mấy chuyện này.Chắc con mệt quá nên mơ linh tinh thôi!"
- Có thờ có thiêng có kiêng có lành! Mày mơ thấy nó cả tuần như thế mà bảo là bình thuờng à?
Anh hơi núng chí. Nhưng vẫn xì xoà ầm ừ cho yên lòng mẹ.
Buổi tối, cô gái đến chơi. Họ lại ái ân nồng nàn. Cô cuời sao tự nhiên truớc cửa anh lại treo cái kính xanh đỏ gì trông quê thế. Anh lúng túng, ra tháo xuống luôn. Đêm, chị rừng rực oán hờn, thiêu cháy giấc mơ anh.
Sáng ra, anh tức tốc treo cái kính lên cửa, nhét cái túi đỏ vào nguời. Chị không ẩn hiện gần anh đuợc nữa.
Chị bay văng ra xa. Như chiếc lá khô queo bị gió hất tung nguợc chiều ánh sáng. Như viên bi ve vốn trong suốt bị đem nung lửa ngâm nuớc giờ ném văng xuống đất mà vỡ tan tành vụn rã. Chị cứ bỏ mặc thân mình trôi bạt trong gió mà lẩm nhẩm hoài "Sao anh nỡ tuyệt tình với em?"
Sao anh nỡ tuyệt tình với em ?
***
Người yêu tôi bảo anh sẽ để tang tôi 1 năm nếu tôi chết. Tôi giận suốt nhiều ngày.
Nhưng.
Chỉ có những kẻ nhìn cuộc đời thấy mỗi Mùa và Em mới bảng lảng rưng rức vì những chân lý như thế.
Tôi thấy mình càng lúc càng bị bệnh lơ mơ.
Phan Ý Yên