Khai Nguyên Tự Ba Năm Khổ Luyện Công
Chu Mộng Châu ra khỏi ngôi cổ tự, cứ cắm đầu nhắm con đường trước mặt mà đi không kể phương hướng, qua một lúc đã thấy trời đông hừng sáng.
Dọc đường hắn chỉ mong gặp một vài người khác để hỏi thăm đường đến Mẫu Thương Sơn, cho nên chỉ nhằm quan lộ mà đi. Cứ lúc nào thấy bụng đói thì lấy túi thức ăn ra vừa đi vừa nhai, chẳng mấy chốc trời đã trưa, khi ấy hắn cũng vừa vào một đại trấn.
Chu Mộng Châu tìm một quán ăn bước vào, mấy tên tiểu nhị nhìn thấy một tiểu sa di đầu chưa cạo tóc, tăng y thì rộng thềnh buộc chằng cổ quái bất giác chăm mắt mà nhìn. Một tên nhanh nhẩu chạy đến gần đón đầu, nói nhã nhặn:
- Tiểu sư phụ ạ, phiền ngài đến quán khác, nơi này không có cơm chay?
Chu Mộng Chão tròn mắt nhìn tiểu nhị, la lên:
- Í! Ai bảo tôi cần cơm chay chứ?
Tiểu nhị vội xua tay nói:
- Vậy càng không được, tiểu sư phụ có lẽ làm điệu ở Di Đà tự chuồn xuống đây phá giới một bữa chứ gì? Tiểu điếm nếu như dám bán cho ngài thì có lẽ chẳng bao lâu sẽ dẹp tiệm.
Ngài chẳng nhìn xem Hưng Đức phạn lâu bên kia đường, chỉ vì bán cơm mặn cho tăng một lần mà giờ đóng cửa đó sao.
Vừa nói gã vừa chỉ qua phía bên kia đường. Chu Mộng Châu bất giác quay đầu đưa mắt nhìn theo tay gã, thấy một phạn điếm rất lớn biển đề Hưng Đức Lâu, thế nhưng cửa đóng im ỉm, xem ra chẳng mua bán gì.
Chu Mộng Châu quay lại nói:
- Sợ gì chứ? Tôi chẳng phải là người của Di Đà tự, tiểu nhị ca cứ làm vài món gì ngon ngon, lát nữa tính tiền tôi trả nhiều hơn cho?
Tiểu nhị lại xua tay, lắc đầu nói:
- Đừng nói là tiền, tiểu sư phụ cho vàng, tiểu điếm cũng không dám bán.
Chu Mộng Châu cảm thấy kỳ quái trước thái độ tiếp khách của bọn tiểu nhị, thầm nghĩ:
- Hừ! Các ngươi không bán thì quán khác cũng bán, chỉ cần nắm tiền trong tay thì lo gì không có người đón tiếp?
Nghĩ rồi hắn quay bước bỏ đi, tên tiểu nhị vui vẻ ra mặt, vờ ân cần tiễn chân ra tận cửa.
Nào ngờ đi cả chục thực điếm trong đại trấn, quán nào dẫu lớn dẫu nhỏ, dẫu đắt dẫu ế, đều từ chối không bán cơm cho Chu Mộng Châu.
Hắn đi lòng vòng một hồi, rồi quay trở lại đúng tiểu điếm ban đầu, tiểu nhị thấy thế thì mỉm cười nói:
- Tiểu sư phụ, bọn tôi không hề nói dối đấy chứ?
Chu Mộng Châu đi một vòng đại trấn rã chân, bụng đói, trong lòng đã bực tức, lúc này nghe nói vậy thì quay ngoắt đầu không thèm nhìn gã ta.
Chẳng hiểu thế nào, vừa khéo tấm biển đề ba chữ lớn Hưng Đức lâu ở quán ăn đóng cửa bên kia đường đập vào mắt hắn, hắn thầm nghĩ:
- Bọn họ làm ăn không được, sao ta chẳng chiếu cố một chút? Họ trước đây đã bán cho tăng nhân một lần, lẽ nào lại cự tuyệt?
Nghĩ thế, Chu Mộng Châu sãi bước chạy sang bên kia đường, dùng tay đấm mấy cái vào hai cánh cửa lớn kêu ầm ầm, rồi khoanh tay tự nhiên quay nhìn lại thực điếm bên kia đường vẻ rất đắc chí.
Chẳng mấy chốc, cánh cửa mở toang, một lão già râu bạc tóc hoa râm xuất hiện, nhìn thấy một tiểu sa di thì thất kinh hỏi:
- Tiểu sư phụ tìm đến tiểu gia ta làm gì?
Chu Mộng Châu trong lòng ý muốn tỏ ra mình từng trải, bèn lựa một từ rất giang hồ, đáp gọn:
- Tẩy trần!
Lão già trố mắt nhìn hắn từ đầu xuống chân hỏi lại:
- Tẩy trần ư?
Chu Mộng Châu mỉm cười gật đầu đáp:
- Đúng thế, tôi muốn tẩy trần một trận!
Lão già nhìn Chu Mộng châu mới lúc nữa gật đầu đáp:
- Vâng, vâng, tiểu sư phụ xin chờ một lát!
Nói rồi, lão quay trở vào trong.
Chu Mộng Châu thấy có người đã chấp nhận bán cho mình rồi, thì cao hứng dương dương tự đắc đưa mắt nhìn sang bên kia đường, lúc này đã thấy một đám đông người qua lại tụ tập chỉ chỉ trỏ trỏ vào hắn mà xầm xì bàn tán. Hắn không biết bọn họ nói những gì, nhưng chung quy cảm thấy thỏa mãn ngạo khí, hắn kênh mặt như chẳng muốn nhìn bọn họ nữa là ...
Đột nhiên, đúng lúc ấy từ trong quán một tiếng thét đanh sắc đến xé tai, chưa kịp quay đầu nhìn thì đã thấy từ trong nhà một trung niên phụ nhân tóc tai bù xù, thần tình như điên như cuồng, tay nắm con dao thái thịt lớn bảng, xông ra vừa khóc vừa chửi:
- Con lừa trọc, lão nương thí nạng với ngươi!
Chu Mộng Châu vừa nghe thấy tiếng thét the thé thì cả người đã nhảy sang một bên cửa, trung niên phụ nhân xông ra cửa, mắt long lên nhìn chẳng thấy người nào, liền hét lớn rồi vung dao xông qua đám đông bên kia đường.
Đám người vừa rồi đứng chỉ chỏ Chu Mộng Châu, lúc này nhìn thấy phụ nhân xông sang với con dao thái thịt bên tay, thì khiếp hồn la hét đâm đầu bỏ chạy tán loạn. Chu Mộng Châu thấy bọn người kia tháo chạy như đám kiến vỡ tổ, thì ôm bụng cười lên ha hả.
Nào ngờ, trung niên phụ nhân nghe tiếng cười quay đầu nhìn lại, thấy Chu Mộng Châu đứng bên cửa nhà mình cười hả hê, mụ tức giận quay trở lại, vung dao chửi ầm ĩ:
- Con lừa, để coi ngươi chạy đâu?
Chu Mộng Châu thấy thế thì phát khiếp, hai tay xua lia lịa, miệng nói vội:
- Ê! Ê! Bà làm gì vậy chứ? Tôi chỉ vì chiếu cố quán của bà mà đến.
Phụ nhân nhổ toẹt một bãi nước bọt chửi:
- Chiếu cố con mẹ ngươi. Hưng Đức Lâu ta nếu như không bán cho lũ trọc các người, thì đâu đến nỗi giờ phải thế này, ngươi phải nộp mạng cho bà!
Phụ nhân như cuồng, bổ đến gần là vung đao y nhiên chém một nhát. Chu Mộng Châu toát cả mồ hôi, chẳng kịp nghĩ ngợi nữa, chùn thấp người may khéo tránh một dao.
Trung niên phụ nhân chém một dao không trúng lại dùng sức mạnh quá, cả người theo đà nhào tới trước. Chu Mộng Châu không bỏ lỡ cơ hội, lăn người ra ngoài, rồi vội lồm cồm đứng lên cắm đầu bỏ chạy.
Phụ nhân đứng lên, nhìn thấy Chu Mộng Châu bỏ chạy thì tức tối, giẫm chân giẫm cẳng chửi đổng, đoạn xách dao rượt đuổi theo.
Bọn họ một chạy một đuổi như điên, chạy loan lên quanh trấn. Chu Mộng Châu vì không biết đường biết xá, cho nên chạy một hồi lại quay về chỗ cũ, lúc ấy lắng tai nghe chừng như không có tiếng bước chân chạy theo, quay đầu nhìn thì quả nhiên chẳng nhìn thấy bóng phụ nhân kia đâu.
Chu Mộng Châu yên tâm dừng chân lại thở phì phì, đưa tay áo lên lau mồ hôi trên trán, nhưng tay chưa kịp bỏ xuống, bỗng đuôi mắt nhìn thấy ánh dao loang loáng chẳng kịp quay đầu nhìn, hắn liền co giò phóng chạy. Sau lưng chính là giọng phụ nhân tru tréo vừa chửi vừa đuổi.
Chạy thêm một vòng nữa, Chu Mộng Châu thấy cứ quanh trấn thế này thì không ổn, tránh được một vòng hai vòng, nhưng ba vòng bốn vòng thì chẳng thể nói trước được, nhỡ bị mụ chém một dao thì chẳng những trễ chuyện của sư phụ, mà đến còn hổ thẹn với cha mình dưới cửu tuyền.
Nghĩ đến đó, chẳng màng gì đến chuyện ăn uống nữa, đưa mắt nhìn phía tây trấn thấy có dãy núi cao cao, hắn liền cắm đầu chạy về hướng đó. Chạy gần ra khỏi bìa trấn, bỗng nghe tiếng chân nặng thình thịch phía sau lưng lại, tiếng phụ nhân the thé nhiếc mắng:
- Con lừa chết băm kia, lần này cứ cho mày chạy thoát, lần sau còn mò đến, bà không băm ngươi thành tương thì chớ.
Chu Mộng Châu đã chạy xa, coi như thoát hiểm lần này, hắn thầm rủa:
- Chẳng biết tăng chúng trên Di Đà Sơn chọc mụ thế nào, mà mụ hung dữ như vậy? Lần này may ta chạy giỏi mới thoát lưỡi dao băm thịt của mụ!
Nghĩ thì nghĩ, chân vẫn cứ chạy, chẳng biết qua bao lâu, bất tri bất giác, hắn chạy vào một con đường lát đá lên núi. Hai bên là hai hàng cổ bách, cổ tùng xanh mượt, gió núi không dứt, cỏ cây xào xạc, cảnh sắc u nhã thoát tục, hoàn toàn trái ngược dưới trấn, thật khiến người ta lòng thanh thản lại.
Đi hết con đường lát đá, sơn môn bằng đá tảng xây lên, bên trên đề mấy chữ lớn Pháp Vũ Thiền Tự. Chu Mộng Châu lòng nghĩ:
- Tốt xấu gì thì cũng là chùa, ta đã bái lão hòa thượng làm sư phụ, thân vận tăng y, vào chùa họ tá túc qua đêm, lẽ nào không có được một bữa cơm rau!
Nghĩ rồi, liền thong thả theo sơn môn lên.
Dọc đường mấy lần gặp mặt hai vị hòa thượng đi ngược lại, nhưng chung quy bọn họ chỉ nhìn Chu Mộng Châu với cặp mắt lạnh nhạt một lời cũng không nói.
Chu Mộng Châu vốn đinh hỏi thăm họ ít điều về Mễ Thương Sơn, nhưng nhìn thấy thái độ kiêu ngạo khinh khinh của họ, thì thôi chẳng cần hỏi nữa.
Qua khỏi hẻm núi, chính đã nhìn thấy một ngôi cổ tự hoành tráng tọa lạc giữa hai đỉnh núi liền nhau, những hàng cồ tùng oằn theo năm tháng như tô thêm vẻ cổ kính thâm u. Chu Mộng Châu lòng khấp khởi, sãi bước định lên chùa, nào ngờ chính lúc ấy, một giọng như sấm từ sau lưng quắt lớn:
- Nghiệt chướng! Còn không mau xuống núi cho lão nạp hử?
Chu Mộng Châu giật mình quay người lại nhìn, thì thấy một lão hòa thương cao lớn chẳng biết từ bao giờ đã đứng ngay sau lưng, mắt trừng trừng nhìn hắn vẻ rất tức giận.
Chu Mộng Châu nghĩ nhanh:
- Chẳng oan, người trong trấn đối xử không tốt với tăng chúng, thì ra là bọn họ tự gây chuyện!
Chu Mộng Châu lại thấy lão hòa thượng này vốn không hề quen biết mà mình cũng không gây nên chuyện gì đáng để lão ta quát tháo, lúc ấy chỉ dừng chân một chốc, lại quay người sãi bước bỏ đi lên hướng chùa.
Nhưng vừa mới bước chân đi một bước, đã nghe thấy tiếng cười gằn sau lưng, tiếp đó là tiếng áo lướt gió, lão hòa thượng to lớn dềnh dàng đã chấn ngang lối đi.
Chu Mộng Châu lách người sang bên mà đi miệng la lớn:
- Ái! Sao sư phụ lại cản đường tôi?
Lão hòa thượng chẳng nói nữa lời, vung tay chộp xuống đầu Chu Mộng Châu. Hắn khiếp hãi vội vàng nhảy thụt lùi né tránh những đầu mười ngón tay cũng kịp lướt qua da đầu hắn. Hắn cảm thấy đầu đau rát.
Hòa thượng chộp không trúng thì sinh tức trong lòng trợn mắt vung tay đánh tới. Chu Mộng Châu lúc nãy cũng phát hận trong lòng, không hiểu nguyên do nào mà lão hòa thượng này lại hung hăng như vậy?
Hắn tự biết mình nhỏ không chống đỡ nổi bàn tay to bè của lão hòa thượng, nên định nhảy người né tránh, nhưng đúng lúc ấy từ sau lưng một tiếng quát dài:
- Nghiệt tử, gục!
Chu Mộng Châu cảm thấy người tê dại, quả nhiên ngã nhào trên đất.
Tiếp đó một vi hòa thượng khác tuổi niên lão, thân hình gầy ốm từ trong rừng vọt ra.
Lão hòa thượng to béo lúc đầu đứng tránh sang một bên vẻ rất cung kính.
Lão hòa thượng gầy đưa mắt nhìn Chu Mộng Châu từ đầu đến chân hỏi:
- Tên tiểu từ này mặt mày lạ lắm, có lẽ mới được đưa lên đây, ngươi đem hắn về Di Lạc viên, phạt ba chục hèo!
Hòa thượng béo ứng thanh đáp một tiếng, rồi lập tức vác Chu Mộng Châu lên vai sãi bước chạy đi.
Lão chạy rất nhanh, chẳng mấy chốc đã thấy lên đến lưng chừng núi, ẩn hiện dưới rừng cây là một cổ miếu tường vàng ngói xanh. Chu Mộng Châu căm tức trong lòng, thầm nghĩ:
- Ta phải xem đây là chùa miếu nào, sau khi nghiệp nghệ thành tựu, nhất định quay lại đây trị hai tên hòa thượng hung ác này mới được.
Nghĩ đến đó, đã thấy hòa thượng mang mình đến trước ngôi chùa, trên thạch môn thấy đề ba chữ Di Đà Tự. Lão hòa thượng bước vào chùa, rẽ phải đi dọc theo hành lang, qua thêm một thạch môn hình viên nguyệt đến một gian biệt viện khác.
Vừa vào đến biệt viện, đã thấy có rất nhiều thiếu niên tuổi trạc Chu Mộng Châu chính đang luyện võ, lúc thấy lão hòa thượng bước vào thì bọn chúng luyện cành hăng lên.
Lão hòa thượng béo chẳng hề nhìn bọn chúng lấy một cái, cứ sãi chân bước về phía trước.
Khi ngang qua một gian thiền đường, Chu Mộng Châu liếc mắt nhìn vào thấy một đám hòa thượng ngồi chật cứng có đến năm sáu mươi người, cúi đầu chăm chú vào cuốn kinh trước mặt tụng ê a.
Chu Mộng Châu nghĩ:
- Ở đây xem ra không tệ, vừa dạy võ vừa dạy chữ!
Lão hòa thượng béo cứ mang Chu Mộng Châu đi hết dãy tăng phòng, đến gian phòng cuối cùng, trong phòng tối om, mới ném hắn xuống đất "huỵch" một cái, cả người hắn rơi trên đất thật chẳng nhẹ chút nào.
Nhưng chính lúc ấy, lão hòa thượng "á" lên một tiếng, lão chợt nhận ra có tiếng phát là lạ trên người Chu Mộng Châu. Lão bước đến mò lên người hắn thì phát hiện ra chiếc bọc vải vàng, liền lấy ra mở xem mới biết đó là một pho La Hán.
Lão hòa thượng mập nhìn Chu Mộng Châu ngạc nhiên giây lát, rồi quay người bỏ đi với pho La Hán vàng trong tay, chẳng nói tiếng nào.
Chu Mộng Châu rất hoảng trong lòng, thế nhưng miệng chẳng lên tiếng được, đành trố mắt tức giận để cho lão hòa thượng mang pho tượng đi.
Chẳng bao lâu, hòa thượng mập quay trở lại, nhưng hai tay trống không, chẳng biết pho tượng La Hán đã để đâu rồi. Chẳng nói lấy nửa lời lão lại mang Chu Mộng Châu lên lưng rời khỏi căn phòng tối om, ra trước Phật điện, chưa vào phòng, nhưng ngang qua cửa sổ. Chu Mộng Châu nhìn vào thì thấy trong phòng đã có hai vị hòa thượng ngồi đối diện với nhau, một trong hai người này chính là vị hòa thượng gầy mà hắn gặp lúc nãy, pho tượng La Hán chính đặt trên chiếc sạp nhỏ giữa hai người.
Hòa thượng mập mang Chu Mộng Châu vào phòng, bẩm cáo ngay:
- Bạch Trụ Trì, tên nghiệt chướng trong Di Đà hạ viện trốn chùa xuống núi đã mang đến.
Lão hòa thượng đối diện với vị hòa thượng gầy người tầm thước, mặt hồng nhuận đỏ tươi, đưa mắt nhìn Chu Mộng Châu, giọng ôn tồn hỏi:
- Pho tượng La Hán vàng này từ đâu ngươi có?
Chu Mộng Châu mở lớn mắt nhìn hai lão hòa thượng nhưng không khai khẩu đáp được.
Hòa thượng béo mập tức giận quát:
- Trụ Trì hỏi sao ngươi không đáp?
Chu Mộng Châu đôi môi mấp máy nhẹ, nhưng chung quy vẫn không thốt được thành tiếng.
Vị hòa thượng gầy chợt " à " lên một tiếng, hiểu ra nguyên do, nói:
- Tịnh Nguyệt, ngươi giải khai huyệt đạo cho hắn!
Hòa thượng béo mập liền đưa tay sờ lên lưng Chu Mộng Châu, rồi đánh một chưởng vào hậu bối. Chu Mộng Châu mới thấy cả người và tay chân cử độïng được lại bình thường.
Hòa thượng mập giải huyệt đạo xong, hỏi lại lần nữa, lúc này Chu Mộng Châu mới nói:
- Các người chẳng phải là người tốt, ta không nói?
Vị hòa thượng Trụ Trì đôi mày nhíu lại, nhưng mặt không lộ vẻ phát nộ. Hòa thượng gầy thì mắt lộ hàn quang, ngược lại hòa thượng to béo thì răng nghiến lại, tưởng chừng như chỉ muốn đánh một chưởng trừng trị Chu Mộng Châu, có điều trước mặt Trụ Trì nên không dám.
Trụ Trì qua một lúc mới lạnh giọng hỏi:
- Tiểu tử này là đệ tử nhà nào gửi đến, sao lại ương ngạnh vô lễ thế?
Hòa thượng gầy nói:
- Tên này lạ mặt lắm, có lẽ mới được đưa lên núi, lão nạp chính đang cho điều tra.
Vừa nói vừa đưa mắt ra hiệu cho Tinh Nguyệt hòa thượng, hòa thượng to béo lập tức rời chính điện lui sau.
Lát sau vội vàng trở lại bẩm báo:
- Khải bẩm Trụ Trì, Thủ Tòa, đệ tử đã kiểm tra lại toàn bộ môn sinh cả mới lẫn cũ đều đủ mặt không thiếu một người!
Hòa thượng gầy mặt lộ vẻ kinh ngạc, chỉ tay vào Chu Mộng Châu hỏi:
- Vậy nghiệt tử này từ đâu chui ra?
Hòa thượng Trụ Trì hỏi:
- Xin hỏi sư thúc, chuyện xảy ra thế nào?
Hòa thượng gầy khi ấy mới kể tiếp:
- Lão nạp được tin thông báo có một tục gia đệ tử chịu không nổi sinh hoạt kham khổ trong bổn tự, trốn xuống núi gây sự trong trấn, gần đây bổn tự xảy ra quá nhiều chuyện không hay, đám tục gia đệ tử trốn xuống núi quấy rối, thậm chí uống rượu đánh nhau, cho nên vừa nghe tin này lão nạp định hạ sơn bắt hắn.
Tinh Nguyệt hòa thượng không đợi lão nói hết, chen vào tiếp ngay:
- Thế nhưng đệ tử vừa rồi bẩm rõ, trong chùa không vắng mặt một người.
Hòa thượng gầy nhìn Trụ Trì lúc nãy đang rất kinh ngạc, rồi lại quay qua Tịnh Nguyệt với vẻ hồ nghi:
- Xem áo quần hắn tợ hồ không phải người của bổn tự, chẳng lẽ là tiểu sa di ở chùa nào lân cận đây, bị ta bắt lầm về?
Trụ Trì gật đầu nói:
- Có thể như vậy, nhưng pho La Hán vàng này đã hai năm không biết thất lạc nơi nào, sao giờ lại nằm trong người hắn?
Nói rồi, cảm thấy Chu Mộng Châu hơi khác thường tuy mặc tăng y, nhưng dáng bộ chưa xuất gia, nên ôn hòa hỏi:
- Tiểu thí chủ có thể nói cho biết lai lịch pho tượng Kim La Hán này không?
Chu Mộng Châu thấy vị Trụ Trì từ đầu đến giờ thái độ ôn hòa thì hơi cảm mến, khi ấy đáp:
- Pho tượng La Hán này là sư phụ tôi bảo mang đi giúp người làm một chuyện.
Cả hai vi hòa thượng đều kinh ngạc tròn mắt nhìn Chu Mộng Châu, hòa thượng gầy vụt đứng lên xem ra rất khẩn trương.
Hòa thượng Trụ Trì phất tay ra hiệu Tinh Nguyệt lập tức lui ra chánh điện, rồi mới ôn tồn hỏi:
- Kim La Hán giao cho thí chủ làm chuyện gì?
Chu Mộng Châu trố mắt hỏi lại:
- Kim La Hán ư?
- Phải, chính là chủ nhân pho tượng La Hán này.
Chu Mộng Châu phần vì không kịp hỏi danh sư phụ, lúc này nghe vậy mới hiểu ra ngoại hiệu sư phụ mình là Kim La Hán.
Lúc ấy lắc đầu nói:
- Tôi cũng không biết, thế nhưng sư phụ giao phó, phận đệ tử tôi phải làm hoàn thành.
Hòa thượng Trụ Trì cười nói:
- Ta hiểu. Kim La Hán sư huynh hẳn gặp chuyện phiền hà, lệnh sư với ta tuy không phải chỗ thâm giao, nhưng thần giao thì đã lâu rồi, huống gì năm xưa ông ta từng giúp ta thoát họa kiếp, ta đương nhiên cũng không thể không tận lực vì tri âm.
Chu Mộng Châu khiêm tốn hỏi:
- Gia sư không dặn đệ tử bái kiến đại sư, xin miễn cho đệ tử.
Hòa thượng Trụ Trì nói:
- Bần tăng tự biết năng lực hữu hạn, nhưng ở đây có một viên linh đơn và một Chu Quả, chỉ trợ lực cho tiểu thí chủ trên đường hành sự mà thôi.
Nói rồi, liền có một tiểu hòa thượng được ra hiệu, liền bưng lên một chiếc khay gỗ, bên trên là một chiếc hộp nhỏ, Trụ Trì lại nói:
- Linh đan này bần tăng phải mất đến sáu mươi năm mới luyện được một nồi, công hiệu xem ra chẳng kém Đại hoàn đan của Thiếu Lâm đâu. Chu Quả lại là vật hiếm có trên đời, tiểu thí chủ xin đừng từ chối.
Chu Mộng Châu lúc còn ở trong Hồ gia bảo cũng từng loáng thoáng nghe người ta kháo nhau về chuyện Di Lặc linh đan, và Chu quả thần hiệu, đều là thượng phẩm xưa nay, lúc này thấy vị Trụ Trì hoan hỷ tặng cho mình, tự tay mở hộp lấy Chu quả đỏ thắm thì trong lòng mừng khấp khởi không chút khánh khí, đưa tay đón lấy ăn ngay.
Trụ Trì lại nói:
- Tiểu thì chủ nếu như không vội lắm, thì cứ ở lại đây nghỉ vài hôm, Chu Mộng Châu vội nói:
- Sư phụ giao việc cho đệ tử bảo rất cần kíp, trưa giờ đã trễ không biết bao nhiêu thời gian, nào dám để trễ nữa. Chỉ mong đại sư cho bữa cơm chay.
Vị Trụ Trì pháp hiệu Ngộ Nhật, mỉm cười gật đầu nói:
- Tiểu thí chủ xin theo bần tăng.
Nói rồi ông đứng lên, tự mình dẫn Chu Mộng Châu lui trai đường, bảo dọn một mâm cơm. Chu Mộng Châu thực tình đã đói lắm rồi, bấy giờ ngồi vào chẳng chút khách sáo, cứ cầm đũa chén một bụng no nê.
Sau bữa cơm, chính Ngộ Nhật phương trượng tiễn chân Chu Mộng Châu đến sơn môn.
Chu Mộng Châu cất pho tượng La Hán vào ngực áo, chấp tay vái dài tạ từ, rồi sãi bước xuống núi.
Dọc đường, Chu Mông Chu nghĩ lại những chuyện vừa qua, mấy lần suýt nếm khổ đau, suy cho cùng cũng chỉ vì vận bộ tăng y này mà ra.
Hắn định bụng lát nữa vào trấn thành nào, sẽ mua bộ quần áo thường phục thay vào.
Khi trời xâm xẩm tối thì Chu Mộng Châu vào đến một thị trấn.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn, hắn chẳng dại gì tìm vào quán ăn, trước hết thuê phòng trong khách điếm, đưa cho tiểu nhị một nén bạc nhờ đi mua hộ một bộ áo quần thường phục, thay áo quần xong đâu đó, mới yên tâm ra khỏi khách điếm tìm đến quán ăn. Vào quán, tự mình gọi mấy món ăn, ngồi thư thả ăn ngon lành.
Được chừng nửa bữa, bỗng thấy ở cửa xuất hiên một thằng bé độ tám chín tuổi, một gã tiểu nhị liền sãi bước đến chắn ngang đường, miệng cười cười gian giảo, nói:
- Về đi, về đi, bảo tỷ tỷ ngươi đến đây!
Tiểu nhị vừa nói câu này, lập tức thấy thực khách trong quán phần lớn cười ầm lên.
Chu Mộng Châu không hiểu hàm ý trong câu nói của gã tiểu nhị, thế nhưng chung quy hiểu ra lời này chẳng phải là lời nói tốt.
Thằng bé đứng ngoài cửa, nhìn trừng gã tiểu nhị tức tối, rồi quay đầu bỏ đi. Thế nhưng, trước lúc bỏ đi, ánh mắt của thằng bé lướt nhìn nhanh lên nhưng bàn ăn, vẻ thèm thuồng.
Chu Mộng Châu kịp nhận ra điều này, hắn chừng như biết mục đích của thằng bé, liền gọi tiểu nhị thanh toán tiền, rồi còn mua thêm hai chiếc bánh nướng và một gói thịt, nắm trên tay ra khỏi quán theo chân thằng bé.
Thằng bé ra khỏi quán cắm đầu đi, rẽ ngang rẽ dọc mấy lần lại đến trước một thực điếm khác, nhưng hắn chưa kịp vào thì đã bị một gã tiểu nhị chạy ra hù dọa đánh đuổi.
Thằng bé hai lần bị đuổi thì vẻ rầu rĩ, hắn rẽ vào một con hẻm. Lúc này Chu Mộng Châu thấy không có người chung quanh mới nhanh bước tiến lên, bắt kịp thằng bé, nói:
- Ê? Cầm lấy?
Thằng bé quay người giật mình thoái lui theo phản ứng bản năng, la lên:
- Ngươi định làm gì?
Chu Mộng Châu giọng ôn hòa nói:
- Ở đây có hai chiếc bánh nướng và một gói thịt, mày cầm về đi!
Thằng bé chẳng hiểu thế nào lại đẩy ra, lắc đầu nói:
- Ngươi giữ lấy mà ăn, ta không cần.
Chu Mộng Châu đã nếm cái đói cào ruột thế nào, lúc này nhất định nhét cho được gói đồ vào tay thằng bé. Thế nhưng, chẳng ngờ thằng bé mới chừng mười tuổi đầu mà tính khí đã quật cường, thế nào cũng cương quyết không nhận. Hai bên cứ dùng dằn nhau, bỗng thằng bé bật khóc òa lên.
Chu Mộng Châu khựng người ngạc nhiên, tay chân thì trở nên lúng túng.
Chính lúc ấy, trong góc hẻm có tiếng người vọng ra hỏi:
- Tiểu Minh đó hả?
Thằng bé nghe vậy liền tức tưởi nói:
- Tỷ tỷ, có người ăn hiếp em.
Nói rồi nó càng khóc lớn hơn.
Chu Mộng Châu vốn có hảo tâm, chẳng ngờ lại xảy đến tình cảnh này. Hắn đã cảm thấy tưng tức, vừa cảm thảy khó xử.
Trong hẻm đã thấy bóng người đến gần, lúc này thì đã nhận ra một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu mười bảy, nhưng khuôn mặt xem già dặn hơn nhiều. Mặt mày tuy xinh đẹp, có điều tiều tụy như mang bệnh, nét ủ dột sầu muộn hiện rõ.
Thiếu nữ đến nơi, ôm thằng bé vào lòng, giọng diu dàng hỏi:
- Nói tỷ tỷ nghe, ai ăn hiếp Minh đệ?
Thằng bé tay chùi nước mắt, chỉ chỉ Vào Chu Mộng Châu, tấm tức nói:
- Hắn?
Chu Mộng Châu bị vu khống như vậy, thì tức lắm, nhưng không nói gì.
Thiếu nữ đưa mắt nhìn Chu Mộng Châu thấy chỉ là một thiếu niên chưa đến mười lăm thì nhẹ giọng nói.
- Chị em ta ... mồ côi cha me, lưu lạc đất người mãi võ mưu sinh, lần này ... vì trong người có bệnh, nên không ra mặt kiếm ăn được, bất đắc dĩ mới bảo ấu đệ ... đi kiếm chút cơm thừa cháo hẩm, chẳng biết tội tình gì mà thiếu gia bức ép đến vậy?
Chu Mộng Châu thấy thiếu nữ nói nhẹ nhàng, nhưng lời lẽ không phải dễ chịu, thực là một sức ép lớn. Khi ấy tức giận ném gói thức ăn xuống đất, hậm hực nói:
- Đừng làm chó cắn càng, không biết người tốt kẻ xấu!
Nói rồi quay đầu bỏ đi, được mấy bước, trong lòng như càng tức, hắn nhổ toẹt một bãi nước bọt, nói:
- Xúi quẩy!
Đi chưa được xa, bỗng hắn nghe có tiếng bước chân khẽ theo phía sau lưng, hắn nghĩ thiếu nữ đuổi theo kiếm chuyện, nên liền sãi bước đi mau hơn. Nhưng bỗng nghe thiếu nữ nhẹ giọng gọi:
- Thiếu gia xin dừng bước!
Giọng thiếu nữ hoàn toàn không chút gay gắt hoặc thù địch, bất giác hắn yên tâm dừng chân lại.
Thiếu nữ mang tiểu đệ mình đến trước mặt Chu Mộng Châu, mặt lộ vẻ hối hận, nghiêng mình thi lễ nói:
- Vừa rồi tiểu nữ hiểu lầm thiếu gia, xin lượng thứ cho!
Chu Mộng Châu đứng ngớ người không biết thái độ thiếu nữ sao thay đổi nhanh thế.
Lúc ấy đã thấy thiếu nữ đẩy thằng bé tới trước, nói:
- Nhanh chịu tội với thiếu gia!
Chu Mộng Châu ở trong Hồ gia bảo chỉ biết người ta gọi thằng hoang, thằng đần. Giờ thấy thiếu nữ một tiếng thiếu gia, hai tiếng thiếu gia, nghe đến bùi tai, nên cơn giận tự nhiên cũng tiêu tan. Lúc ấy ôn hòa nói:
- Thôi thôi chỉ cần cô không nghĩ tôi có lòng xấu là được rồi.
Nói rồi hắn khẳng khái móc trong áo ra một nén bạc, nói:
- Cô nương có bệnh trong người ư? Cứ cầm tiền này mời thầy lang thăm mạch hốt thuốc.
Thiếu nữ nhìn Chu Mộng Châu thấy tuổi còn nhỏ như vậy mà khí cách hào phóng chững chạc thì lòng khâm phục. Lúc ấy khép người nói:
- Tiểu nữ chính lúc cùng đường mạt lộ, thiếu gia đôn hậu ban thưởng, tiểu nữ xin bái tạ.
Chu Mộng Châu thấy thiếu nữ vui vẻ nhận lấy, thì trong lòng vui hẳn lên.
Sau khi chia tay trở lại khách điếm Chu Mộng Châu nghĩ lại đây là lần đâu tiên mình làm việc thiện kể từ khi rời khỏi Hồ gia bảo.
Hắn sung sướng trong lòng, mãi đến khuya lắm mới ngủ được.
Chẳng biết đã qua bao lâu, bỗng có tiếng thét lớn vẻ đau đớn, rồi tiếng ngói vỡ rơi ầm ầm khiến hắn tỉnh lại. Hắn nhảy xuống giường, nhìn qua cửa sổ thì thấy ở sân có nhiều người đứng nhìn lên mái ngói.
Chu Mộng Châu thấy hiếu kỳ, chẳng biết chuyện gì, liền mở cửa chạy ra ngoài, theo đám đông nhìn lên mái nhà. Chỉ thấy một mảng ngói bị hất tung đâu mất, bên cạnh đó những vết đen loang đen xỉn, tợ hồ như vết máu.
Người trong điếm mang thang đến trèo lên mái ngói, phát giác ra một cây cưa ngắn và một chiếc búa. Ngói bị gỡ bỏ một mảng lớn, mà những cây đòn gỗ cũng bị cưa mất.
Chỉ nhìn tình hình cũng biết là có tay trộm định đột nhập, nhưng sự có lẽ chưa thành.
Tiếng la vừa rồi và vết máu thì không biết là của ai, nhưng mười phần hết chín là của tên trộm. Lại thấy chỗ mái ngói bị gỡ mất đúng ngay phòng của Chu Mộng Châu, hắn hốt hoảng chạy trở vào phòng kiểm tra lại những vật của mình, thấy còn đầy đủ.
Lão chủ khách điếm trấn an khách trọ rồi huy động đám làm công tu sữa lại mái ngói.
Sau chuyên này, Chu Mộng Châu lên giường nằm mà không sao ngủ được, mắt cứ trố tròn nhìn lên đỉnh nóc. Một lúc, hắn chợt phát hiện ra ở cột nóc có mảng trăng trắng khác thường.
Hắn ngồi dậy đốt đèn nhìn khắp thì phát hiện một mẩu giấy được ghim vào cột bởi một ngọn phi tiễn, hắn chau mày nghĩ ngợi, rồi bắc ghế lấy tờ giấy xuống, chỉ thấy trong giấy ghi rằng:
- Tặc đồ để mắt đến bảo vật trong người thiếu gia, tiểu nữ đã đánh đuổi hắn, nhưng đường còn dài, thiếu gia hết sức cẩn trọng.
Bên dưới mảnh giấy hoàn toàn không để lại tên tuổi người viết. Chu Mông Chầu ngẩn người ngẫm nghĩ, chợt miệng lẩm bẩm một mình:
- Chẳng lẽ là cô ta?
Thì ra trong đầu hắn nghĩ đến thiếu nữ mà lúc đầu hôm hắn đã tặng gói thức ăn và nén bạc, chính cô ta đã tự xưng là tiểu nữ.
Thế nhưng cô ta xem ra người tiều tụy bạc nhược, đâu là võ lâm cao thủ, bệnh nặng cũng khó nửa đêm ra tay trị cường đạo. Nhưng nếu không phải cô ta thì là ai? Mà trong thư bảo là kẻ trộm nhằm bảo vật trong người hắn là vật gì chứ? Vì sao cô ta lại biết có người đang theo dõi hắn?
Bao nhiêu câu hỏi cứ lờn vờn trong đầu hắn thực khó giải đáp tức thời.
Sáng sớm hôm sau, Chu Mộng Châu thanh toán hết tiền phòng rồi tất tả lên đường, qua chuyện hồi đêm hắn đâm ra cẩn thận hơn, dẫu sao như vậy vẫn tốt cho hắn.
Đi một hồi lâu, hắn hỏi thăm đường đến Mễ Thương sơn, nào hay từ sáng đến giờ hắn đi sai đường, trong lòng buồn bực nhưng đành phải quay lại đường cũ. Dọc đường hắn nhận ra có nhiều người đi cùng chiều hoặc ngược chiều đều để mắt đến hắn, có kẻ ngang qua người hắn lại còn quay đầu nhìn vẻ rất khả nghi, khiến hắn vừa sợ vừa lấy làm kỳ.
Chu Mộng Châu nhớ lại chữ ghi trong mảnh giấy, mười phần báu vật là ám chỉ pho tượng La Hán vàng, sư phụ căn dặn tuyệt đối không để thất lạc, giờ nhỡ bị bọn đại hán này cướp thì làm sao ăn nói với sư phụ?
Hắn vừa đi vừa nghi, lòng càng thêm lo lắng, bất tri bất giác đã lọt vào một cánh rừng.
Lúc này hắn giật mình đứng lại, khi phát hiện thoắt hiện thoắt ẩn trong rừng có bóng người. Hắn phát hoảng quay đầu định bỏ chạy ngược lại. Nhưng đúng lúc ấy trước mặt hắn đã xuất hiện một gã đại hán độc nhãn, đưa con mắt độc nhất nhìn hắn chằm chằm.
Chu Mộng Châu thừa hiểu ra chuyện gì, nhưng vẫn cố làm phớt lờ như không, cắm đầu sãi bước.
Gã đại hán độc nhãn cười “hắc hắc" mấy tiếng, nói:
- Thằng nhãi, ngoan ngoãn đưa bảo vật ra, ông thương hại ngươi còn nhỏ chưa biết chuyện mà tha cho cái mạng.
Chu Mộng Châu vờ không hiểu, hỏi:
- Bảo vật gì chứ?
Gã đại hán độc nhãn "hừ" một tiếng, lạnh lùng nói:
- Thằng ranh, chẳng hiểu điều gì kể như ngươi tự tìm cái khổ!
Chu Mộng Châu mắt lanh, chân lẹ, thụp người lòn nhanh qua người gã ta tránh cái với tay của gã, rồi co giò phóng chạy.
Gã đại hán thộp tay không trúng, lại bị Chu Mộng Châu bỏ chạy vừa giận vừa tức cười, thét lớn một tiếng rồi phóng người đuổi theo.
Chu Mộng Châu vốn trước khi đi, sư phụ cho uống một viên "đậu đen " hôm kia trên Di Đà tự lại được Ngộ Nhật phương trượng cho uống linh dược, và ăn Chu Quân, cho nên công lực tăng tiến nhiều.
Tuy vậy hắn hoàn toàn không hay biết gì, cứ vắt cổ mà chạy, chẳng ngờ càng chạy tốc độ càng nhanh, người thì càng nhẹ, mà lại không biết mệt.
Thế nhưng cho dù hắn chạy có nhanh thế nào, thì vẫn không thoát nổi người có luyện thân pháp như đại hán độc nhãn này, chốc lát đã thấy đuổi kề sau lưng.
Chu Mộng Châu lòng rất gấp, ở đây lại vắng tanh không bóng người qua lại, chẳng biết kêu cứu ai. Đang lúc hốt hoảng, thì trước mặt bỗng nhiên có tiếng người la lớn:
- Đại ca, chuyện gì phải động tay động chân với thằng bé này?
Tiếp đó là một bóng đen trong bụi rậm nhảy ra. Chu Mộng Châu nghe vậy biết là đồng bọn với gã đại hán độc nhãn, liền né người sang trái bỏ chạy. Nhưng hắn sang trái, thì bóng người kia cũng sang trái, hắn lại lách sang phải thì bóng người kìa cũng lướt sang phải, chung quy luôn chấn ngang trước mặt hắn.
Sự việc xảy ra chỉ trong chớp mắt, lúc này đã thấy gã đại hán độc nhãn từ sau đuổi kịp tới nơi, gã gầm lên, đơn chưởng nhắm thẳng người Chu Mộng Châu bổ tới.
Nên biết, gã độc nhãn đại hán vốn là một nhân vật thành danh trong làng hắc đạo Long Thạch, vừa rồi xuất thủ bị Chu Mộng Châu né tránh được thì trong lòng đã căm tức, cảm thấy để lộ ra chuyện này thì oai danh tổn hại. Vừa rồi đuổi theo Chu Mộng Châu cũng phải khá phí sức, lại càng tức giận hơn, cho nên lúc này định ra một chưởng chính là Hàn Sa chưởng độc môn thành danh cha gã. Người trúng Hàn Sa chưởng, chẳng những bị chấn động bởi chưởng lực mà còn trúng phải Hàn Sa độc, không chết thì cũng khó sống nổi.
Tình thế đã nguy cấp lắm rồi, Chu Mộng Châu há mồm trợn mắt, hai tay đưa lên che đầu che ngực theo phản xạ tự nhiên.
Nhưng đúng lực ấy, bỗng nghe "vút vút vút" liền mấy tiếng, ánh hàn quang xé không gian nhằm vào ngực, vào mặt gã đại hán độc nhãn phi tới như tia điện chớp.
Gã đại hán độc nhãn không ngờ bị ám khí tập kích, hoảng hốt vội thâu chưởng tung người nhào ra ngoài kịp tránh những ngọn phi tiêu quái ác.
Gã tức giận thét lên:
- Lũ chuột lén lút phương nào mà dám ám toán đại gia?
Người vừa rồi nhảy ra chận ngang đường Chu Mộng Châu là một phụ nhân mặt mày thanh tú, nhưng trong ánh mắt lạnh lùng tàn độc, lúc này đưa mắt nhìn vào một lùm cây rậm bên đường.
Gã độc nhãn thấy đối phương không chịu xuất đầu lộ diện, thì phát tức thét chửi:
- Mẹ kiếp lũ chuột, ngươi nếu còn chưa chịu thò mặt ra, thì chớ trách đại gia tàn độc!
Sau câu khích này, đã thấy lùm cây dao động rồi một thiếu nữ vọt ra. Chu Mộng Châu "á " lên một tiếng, nói:
- Là cô?
Bọn hai người kia nhìn thiếu nữ rồi lại nhìn nhau, phụ nhân tru tréo:
- Đại ca, thế nào chứ? Chúng ta không nhìn lầm đấy chứ? Hay là còn có kẻ nào khác bên trong?
Thiếu nữ đã đến trước bọn họ, giọng ôn hòa nói với phụ nhân:
- Quý cô phải chăng là Quảng Hàn Tiên Tử Trần Huệ Hoa, nhất thân khinh công độc bộ Thiên nam?
Trung niên phụ nhân giật mình thầm nghĩ:
- Cô ta là ai mà biết tính danh, bản lĩnh của ta?
Nhưng thiếu nữ lại nói với độc nhãn đại hán:
- Đã thế thì vị này nhất định phải là Thiết Bích Hùng Nhậm Đại Cương, bằng vào Hàn Sa chưởng xưng bá Thiên Nam, còn gọi Độc Nhãn Mãnh Long!
Độc nhãn đại hán "hừ" một tiếng lạnh lùng, nói:
- Chính là đại gia của ngươi đây, ngươi là ai? Mau nói thực ra!
Thiếu nữ nói ngay:
- Tiểu nữ tên gì họ gì, thực nhị vi bất tất truy cứu, vừa rồi vì vội cứu người nên mới ra tay như vậy có gì mạo phạm, xin lượng thứ?
Nói rồi chắp tay hành lễ độc nhãn đại hán. Quảng Hàn Tiên Tử Trần Huệ Hoa nhíu mày, nói:
- Đã dám to gan xuất đầu lộ diện, chẳng lẽ không dám báo thực tánh danh?
Thiếu nữ nói:
- Tiểu nữ mang nỗi oan uổng, thực rất khổ tâm, nên tánh danh xin tạm thời thứ cho không thể cáo bẩm.
Trần Huệ Hoa nói:
- Chẳng lẽ ngươi bằng vào tuyệt thủ Xuyên Châu Thành Tuyến và thủ pháp Bích Hoa Nộ Phóng mà tưởng chúng ta bỏ đi tay không ư?
Nói rồi, đã thấy bà ta tay rút thanh kiếm hình xoắn ốc kỳ lạ, ý muốn xuất thủ. Thiết Bích Hùng Nhậm Đại Cương cũng đã rút binh khí cầm tay, đó là một đôi tay gấu thép.
Chu Mộng Châu thấy gã đại hán và phụ nhân đều đã rút binh khí chuẩn bị tấn công, thì lo cho thiếu nữ bèn nói:
- Cô nương chớ nên chen vào chuyện này, bọn họ không bắt được tôi thì chẳng khi nào lấy được bảo vật!
Thiếu nữ lắc đầu nói:
- Không được, có Quảng Hàn Tiên Tử đây thiếu gia có mọc cánh cũng không chạy thoát đâu?
Trần Huệ Hoa cười, nói:
- Ngươi cũng am tường đấy, phải thực Quảng Hàn Tiên Tử ta và Thiết Bích Hùng xưa nay gây án chưa từng về tay không bao giờ. Thằng nhóc này biết điều thì đưa bảo vật ra, bổn Tiên Tử lòng từ bi mà tha mạng cho các ngươi phen này.
Thiếu nữ nói:
- Trong người vị thiếu gia này mang bảo vật nhà Phật, sao có thể trao cho người khác.
Thiếc Bích Hùng tức giận quát hỏi:
- Nói đi nói lại, thực ra có chịu trao ra hay không?
Chu Mộng Châu đanh giọng đáp lại:
- Không!
Thiết Bích Hùng "hắc" cười gằn một tiếng:
- Ông lượm ngươi trước!
Theo lời nói, đôi tay gấu sắt vung lên chộp tới. Chu Mộng Châu không biết võ công, trước một chiêu quái dị cực nhanh như vậy thì có nghĩ chuyện né tránh càng không kịp. Khi ấy chỉ nhắm mắt chờ chết, cắn răng không kêu la.
Nhưng quái lạ, chờ một lúc chẳng thấy tay gấu đánh tới, hắn lấy làm kỳ, mở mắt ra thì thấy cả Thiếc Bích Hùng lẫn Tiên Tử đều thâu binh khí, thái độ tỏ ra rất cung kính đối với thiếu nữ.
Chu Mộng Châu kinh ngạc vô cùng.
Trần Huệ Hoa lên tiếng trước:
- Không biết cô nương là hậu đại Vân Sơn ...
Thiếu nữ cắt lời ngay:
- Đa tạ Tiên Tử niệm tình tiên phụ, nhón khẽ quý thủ đã là cảm kích lắm rồi. Còn như chuyện lai lịch thân thế tiểu nữ thì xin Tiên Tử tạm thời giữ kín cho, ngày sau gặp lại hẳn không quên ơn này.
Trẫm Huệ Hoa nói:
- Đương nhiên, đương nhiên!
Nói rồi liền cùng Thiếc Bích Hùng sóng vai bỏ đi.
Chu Mộng Châu nhìn theo bóng họ khuất dần, ngớ người chẳng hiểu sự tình sao chuyển biến nhanh như vậy. Quay nhìn thiếu nữ như muốn nghe một vài lời giải thích, nhưng thiếu nữ im lặng không nói câu nào. Cuối cùng Chu Mộng Châu phải thốt lên:
- Cô nương ...
Nhưng chưa kịp hỏi gi, đã bị thiếu nữ cắt ngang nói:
- Thiếu gia chớ hỏi nhiều, vừa rồi tiểu nữ đã nói là thân thế lai lịch tạm thời giữ kín, thiếu gia có hỏi thì tiểu nữ cũng không tiện đáp được. Từ nay thiếu gia lộ hành phải hết sức đề phòng cẩn thận, tiểu nữ còn có chuyện phải làm, thứ cho không theo hầu tiếp được.
Chu Mộng Châu nghe câu này thì đoán định hồi đêm để lại mảnh giấy trong khách điếm chính là thiếu nữ này, nghĩ mình bất quá chỉ giúp cô ta nén bạc và gói thức ăn, vậy mà cô lại hai lần cứu mình thoát nguy hiểm. Trong lòng cảm kích vô cùng, không biết nói thế nào.
Nhưng thiếu nữ nói xong là quay người bỏ đi rồi. Chu Mộng Châu hốt hoảng chạy theo nói:
- Cô nương! Chớ vội đi!
Thiếu nữ hơi nghiêng đầu nhìn lại, cười nói:
- Như hữu duyên, sau này tất trùng phùng!
- Nhưng tôi còn chuyện muốn nói!
Thiếu nữ không dừng lại, ngược lại phóng chân tung người vút đi, phút chốc đã mất dạng.
Chu Mông Châu phóng chân chạy theo một đoạn nữa, nhưng nhìn quanh nhìn quất chỉ thấy rừng là rừng, đành trở lại quan lộ tiếp tục đi.
Ở trong Hồ phủ cả chục năm ru rú chẳng biết gì, nhưng giờ mới rời khỏi Hồ gia bảo hơn ba ngày mà Chu Mộng Châu đã biết nhiều điều, gặp nhiều chuyện, mới hay giang hồ hiểm ác trùng trùng, nhất nhất cần cảnh giác đề phòng.
Lần này Chu Mộng Châu cẩn thận hơn, hắn dùng vải bọc pho tượng thêm một lớp nữa, rồi buộc như tay nải kẹp ở tay. Ngày đi đêm nghỉ, không ngừng thăm hỏi đường xá. Hôm ấy đã đến dưới chân Mễ Thương Sơn, xem ra mấy hôm rồi không xảy ra chuyện gì đáng nói.
Khai Nguyên sơn là ngôi cổ tự lớn nhất ở Mễ Thương Sơn cho nên chỉ hỏi ra là người ta chỉ rõ ngay đường lên chùa.
Hắn nghĩ Khai Nguyên tự là địa chỉ đầu tiên trong danh sách địa danh của sư phụ ghi sẵn, lên chùa làm việc của sư phụ cần tươm tất một chút, nên hắn tắm táp sạch sẽ, rồi mới tìm đường lên chùa.
Vị tăng tri sự thấy khách là một thiếu niên chưa đến mười lăm, thì hỏi:
- Tiểu thí chủ lên chùa dâng hương?
Chu Mộng Châu nói:
- Đương nhiên là dâng hương, nhưng tôi còn muốn gặp một người?
- Chẳng hay tiểu thí chủ muốn gặp vị nào trong bổn tự?
- Tôi muốn tham kiến phương trượng!
Vi tăng tri sự trố mắt kinh ngạc, chợt như vỡ lẽ, đáp lại:
- Gặp Trụ Trì tệ tự, thực khéo. Trụ Trì tệ tự ngày mai là nhập thất bế môn, nếu thí chủ chậm một buổi thì không gặp được đâu. Xin mời ngồi nghỉ chốc lát, tiểu tăng sẽ đưa thí chủ đi gặp Trụ Trì.
- Ồ, tôi không cần nghỉ ngơi, tôi muốn bái kiến phương trượng ngay.
- Tiểu thí chủ việc gì phải gấp như vậy?
Chu Mộng Châu gật đầu nói.
- Phải, chuyện rất gấp!
- Vậy thì chờ tiểu tăng vào trong bẩm báo trước.
Nói rồi vị hòa thượng đưa Chu Mộng Châu đến ngồi chờ ở phòng khách đoạn quay vào trong. Lát sau trở ra từ một phòng khác, nói:
- Tiểu thí chủ xin theo tiểu tăng!
Chu Mộng Châu nắm lấy chiếc túi vải dài, thận trọng theo chân hòa thượng, qua một dãy hành lang dài mới đến trước phòng phương trượng.
Trong phương trượng thấy một vị hòa thượng già ngồi xếp bằng trên tấm bồ đoàn đặt trên sạp gỗ vẻ mặt từ hòa nhìn Chu Mộng Châu cười:
- Thực hiếm được tiểu thí chủ từ phương xa đến dâng hương bái Phật, nhưng bần tăng ngày mai đã bất đầu nhập tịnh thất, không tiếp thí chủ được. Tiểu thỉ chủ cứ cảm phiền lui gót vài hôm vãn cảnh chùa, dùng cơm chay thanh đạm rồi hãy đi.
Chu Mộng Châu chấp tay hành lễ rồi nói ngay:
- Sư phụ tôi sai tôi đến đây, có một việc thỉnh phương trượng lưu nhãn xem qua.
Hòa thương Trụ Trì hơi có chút ngạc nhiên hỏi:
- Sư phụ của tiểu thí chủ là ai? Vị ấy đưa đến vật gì?
Chu Mộng Châu vừa cởi chiếc túi vải, vừa nói:
- Phương trượng xem qua thì rõ!
Nói đến đó đã cởi lớp vải bố ngoài để lộ vải vàng bên trong.
Hòa thượng Trụ Trì không nói thêm gì, chỉ đưa mắt theo dõi. Vị hòa thượng tri khách thì giúp Chu Mộng Châu cởi bỏ lớp vải, phút chốc bức tượng La Hán vàng sống động như thật hiện ra trước mắt vị Trụ Trì.
Vị hòa thượng tri khách "a" lên một tiếng ngạc nhiên. Hai tay nâng niu pho tượng đưa lên cao, miệng lẩm bẩm niệm:
- A Di Đà Phật!
Vị Trụ Trì Khai Nguyên tự vừa nhìn thấy pho La Hán vàng thì mặt đổi sắc, cả người bỗng vụt nhanh như chớp trong tư thế ngồi mà lướt đến hai tay ôm lấy pho tượng, rồi cả người vòng trở lại ngồi nguyên vị.
Chu Mộng Châu cả kinh, mà đến hòa thông tri khách cũng ngớ cả người đứng sững sờ ra.
Lão hòa thượng hai tay nâng pho tượng run run, đôi mắt đã thấy ngấn lệ long lanh, đôi môi run run bật ra tiếng khóc nấc nghẹn.
Chu Mộng Châu thấy lão hòa thượng xúc động mạnh đến như vậy thì ngỡ mình có chỗ nào sai sót, bất giác lo lắng gọi lên:
- Lão hòa thượng ... người ...
Lão hòa thượng đôi mắt dán chặt vào pho tượng thần tình như dồn hết vào đó, chung quy như chẳng hề nghe thấy tiếng gọi của Chu Mộng Châu.
Hòa thượng tri khách từ nhỏ xuống tóc trong Khai Nguyên tự này đến giờ chưa hề thấy thần thái vị phương trượng xúc động mạnh đến bao giờ, lúc ấy sau hồi ngớ người kinh dộng, thì vội quay người bỏ chay ra hướng Phật điện. Chu Mộng Châu còn lại một mình thì lóng nga lóng ngóng chẳng biết nên làm gì đây.
Một lúc sau, hòa thượng như trở lại với thực tại, đưa mắt nhìn Chu Mộng Châu một cách khác thường, gật đầu lia lịa, miệng cứ lẩm bẩm nói:
- Hảo ... hảo . ... hảo ...
Chu Mộng Châu càng hoảng hơn, la lên trong tiếng khóc:
- Lão sư phụ?
Vừa lúc này thì vị hòa thượng tri khách đã quay trở lại với thêm một vị cao tăng áo xám.
Hai người hốt hốt hoảng hoảng, chân chưa tới cửa phòng đã nghe thấy hòa thượng áo xám gọi lớn:
- Sư huynh!
Hòa thương Trụ Trì giật nẩy người, hòa thượng áo xám và hòa thượng tri khách đã vào phòng.
Vi Trụ Trì đã bình tĩnh trở lại, đưa tay ra hiệu ba người đứng yên một bên, rồi hỏi:
- Sư huynh còn căn dặn gì không?
Chu Mộng Châu ngạc nhiên hỏi lại:
- Sư huynh ư?
Vi Trụ trì nói:
- Vị phó tác pho Kim La Hán này chẳng phải là một hòa thượng béo tròn sao?
- Đúng vậy!
- Vị ấy chính là sư huynh của bần tăng!
Chu Mộng Châu nghe vậy liền quỳ xuống khấu đầu, nói:
- Chu Mộng Châu sư điệt xin bái kiến sư thúc!
Vị Trụ Trì ôn tồn nói:
- Lão nạp pháp hiệu Đạo An!
Rồi lại chỉ vị hòa thượng áo xám nói:
- Đây là Đạo Huyền sư thúc của ngươi.
Chu Mộng Châu liền quỳ xuống trước mặt hòa thượng áo xám khấu đầu sáu cái ra mắt.
Tiếp đó Đạo An phương trượng lại giới thiệu hòa thượng tri khách:
- Đây là sư huynh của ngươi, pháp danh Bá Thắng!
Đạo Huyền pháp sư chưa hiểu ra nguyên nhân chuyện gì, bấy giờ mới lên tiếng hỏi:
- Sư huynh, thực ra là chuyện gì chứ? Sao tự nhiên lại xuất hiện một vị tiểu sư điệt này?
Lai lịch pho Kim La Hán này thế nào chứ?
Đạo An phương trượng đã nén nỗi bi thương:
- Chuyên nói ra thì dài, bởi vì các ngươi nhập tự khá muộn nên không biết chuyện này, từ từ có dịp ta sẽ nói. Bá Thắng ngươi chuẩn bị một phòng với đầy đủ vật dụng sinh hoạt trong Dưỡng Tâm viện, việc này phải giữ kín miệng, tuyệt đối không được nói ra cho người khác nghe.
Bá Thắng trong lòng nghi hoặc không hiểu, lĩnh mệnh là thoái lui làm việc ngay, nhưng liền bị phương trượng gọi lại, nghiêm giọng căn dặn thêm:
- Về chuyện pho tượng La Hán vàng này thì càng tuyệt đối không được nói nửa tiếng với người khác!
Bá thắng "dạ" một tiếng, rồi tiếp tục đi.
Đêm hôm đó Chu Mộng Châu nghỉ lại trong một gian phòng cách biệt tại Dưỡng Tâm viện.
Vị phương trượng cũng tuyên bố bế quan sớm một ngày, pho La Hán thì lưu lại thờ trong một khám gỗ đàn hương tại Dưỡng Tâm viện.
Chu Mộng Châu được Đạo An phương trượng giữ lại trong Dưỡng Tâm viện cứ nghĩ là vài ba ngày một tháng là nhiều.
Chẳng ngờ ...
Thời gian ngựa chạy tên bay, thắm thoát ba năm trôi qua nhanh.
Việc nhập thất tịnh tu là giai đoạn quan trong trong quá trình tu luyện của người xuất gia, Đạo An phương trượng thân phận Trụ Trì Khai Nguyên tự ba năm trước tự dưng tuyên bố nhập thất trước một ngày đã làm toàn chúng ngạc nhiên. Nhưng ba năm sau khai môn xã tịnh thì càng khiến chúng tăng thêm kỳ, nguyên là chuyện Chu Mộng Châu lưu lại trong Dưỡng Tâm viện toàn chúng ngoại trừ Bá Thắng và Đạo Huyền ra thì không ai hay biết.
Chu Mộng Châu sau ba năm, giờ đã trở thành một thiếu niên tuấn kiện mười sáu tuổi.
Lại nói, trong ba năm nhập thất tịnh tu Đạo An phương trượng không giở qua một trang kinh, chẳng ngồi thương mại một buổi thiền, mà hầu như định hết thời gian và tinh lực cho Chu Mộng Châu.
Mỗi ngày từ sáng tinh mơ đã bắt đầu truyền thụ cho Chu Mông Châu luyện Phật môn nội gia tâm pháp, xế trưa thì truyền thụ một pho Đạt Ma kiếm pháp, buổi chiều thì thuật chuyện giang hồ các phái và phân tích võ học từng môn phái, cho đến phương pháp nhận biết phân biệt. Chiều tối lại luyện ngoại công quyền thuật chưởng chỉ các loại.
Thời gian suốt ba năm, mỗi ngày mỗi ngày đều trôi qua căng thẳng và khắc khổ như vậy.
Chu Mộng Châu tuy vậy chủ tinh luyện hấp thụ triệt để pho kiếm pháp, nhưng nội công thì đã luyện đạt trình độ căn cơ, đến việc phân biệt võ công các phái thì khá tỏ tường.
Đúng ngày Đạo An phương trượng tuyên bố khai môn xả tịnh, thì cũng chính là ngày phương trượng cho Chu Mộng Châu hạ sơn. Pho Kim La Hán chứa trong một chiếc hộp gỗ nhỏ, bọc vải cẩn thận, rồi trao lại cho Chu Mộng Châu cất vào người.
Chu Mộng Châu giờ đã là một chàng thiếu niên tuấn tú, mắt sáng mày rậm đầy nghị lực, so với ba năm trước lớn hẳn rất nhiều. Chàng bái biệt sư thúc rồi xuống núi, tiếp tục hành trình đến các cổ tự khác theo sứ mệnh mà sư phụ giao phó.
Địa điểm thứ hai Chu Mộng Châu đến là Lục Bàn Sơn.
Ba hôm sau, trên đạo quan từ Long Tây đi hướng tây bắc, người ta nhìn thấy một thiếu niên khôi ngô tuấn tú, thần thái uy nghi phóng như bay.
Chập chiều tối, thiếu niên vào đến một tiểu trấn.
Thấy trời đã tối đột nhiên từ phòng bên cạnh chỉ cách vách tường mỏng có tiếng người nói chuyện thì thầm vọng sang khiến Chu Mộng Châu tỉnh giấc.
Tuy bọn người nói chuyện rất khẽ, nhưng thâu đêm bán dạ tĩnh lặng như tờ, nên vẫn có thể nghe khá rõ ràng.
Chỉ nghe một giọng nam nói:
- Anh muội cũng không nên trách cứ sư phụ quá ư đa nghi thận trọng, thử nghĩ xem nếu sư phụ lúc bấy giờ chẳng dứt khoát mạnh dạn hạ thủ với chính sư huynh mình, thì làm sao có địa vị như hiện nay? Cứ nghĩ kế hoạch đặt định chu đáo đến thế, cuối cùng vẫn khó tránh di họa. Giả như chẳng phải Thiết Bích Hùng lúc ấy uống say khướt mà thổ lộ ra, ta khéo nghe được thì chỉ sợ đến lúc này cũng không ai biết được. Đáng tiếc hôm ấy gã chỉ nói lộ một câu, về sau hỏi lại thì gã phủ nhận là gặp được hậu đại của sư bá. Anh muội, muội nói xem nội tình tất còn có nguyên do khác không chứ?